(GD&TĐ) - Thầy giáo tiếng Anh của chúng tôi có 3 người: Thầy Đặng Chấn Liêu, thầy Phạm Duy Trọng và cô Freeda Cook, đảng viên Đảng Cộng sản New Zealand. Trên con đường lập nghiệp, phải nói rằng thầy Liêu là người thầy đã xây dựng nền tảng cho tôi.
Bài học văn hóa Anh đầu tiên
Trong những năm tháng ấy, chúng tôi chẳng biết gì về nước Anh ngoài vài bài học trong sách Liên Xô về Nghị viện Anh, về Big Ben, về người Anh một ngày ăn mấy bữa... Cô Freeda Cook rất quý học sinh Việt Nam. Cô tổ chức cho từng nhóm 6 người, mỗi chủ nhật một nhóm đến ăn ở nhà cô để học cách dùng dao dĩa. Đến lượt nhóm chúng tôi có 7 người vì sĩ số lớp lẻ. Chúng tôi nghĩ theo kiểu Việt Nam, thôi thì cứ đến cả, chỉ thêm bát thêm đũa mà thôi. Đến nơi, Freeda đón chúng tôi ở cửa. Cô chỉ ngay vào anh chàng thứ bảy và nói: “I dont want you” (Tôi không mời anh đâu). Thế là anh ta ngượng quá phải ra về và sau này cứ “chửi rủa” chúng tôi mãi: “Chỉ tại chúng mày”. Đấy là bài học văn hóa Anh đầu tiên của chúng tôi.
Tự “phát minh” cách học
Do thiếu đủ mọi điều kiện cho nên chúng tôi phải tự “phát minh” ra mọi cách học. Hồi ấy tất cả sinh viên phải ở nội trú, sáng thứ hai có mặt bảy giờ để lên lớp và chiều thứ bảy năm giờ mới được phép ra khỏi trường. Chúng tôi có một anh bạn lớn tuổi trong lớp tìm ra một con đường đi từ phía sau trường, ngoằn ngoèo qua mấy đám ruộng, qua một làng nhỏ dẫn đến bến tàu điện Cầu Giấy. Đường này tránh được “Đội cờ đỏ” và chúng tôi có thể chuồn về Hà Nội từ 1, 2 giờ chiều. Chúng tôi đặt tên con đường đó là “Đường mòn Nguyễn Gia Thi” (tên anh bạn phát hiện ra con đường). Đường mòn này trở thành con đường khổ luyện nói tiếng Anh với nhau. Mỗi tuần chúng tôi ra một chủ đề, ví dụ tuần này là các từ nói về thời tiết, tuần kia là những từ về các loài hoa, tuần khác lại về đồ dùng trong nhà. Mỗi người lần lượt nói ra một từ. Đến cuối con đường ai nói được ít từ nhất phải bỏ tiền thết mấy người kia một chầu cà phê đen. Thường khi thua tôi phải rẽ vội qua nhà xin cô em gái mấy đồng để thết bạn.
Khi chúng tôi học đến năm thứ hai thì có hai thầy giáo đi học ở Liên Xô về, thầy Đoàn Minh và thầy Lâm Huy Hiếu. Học tiếng Anh ở Liên Xô là điều chúng tôi chỉ thấy trong mơ. Quả thật khi hai thầy này về nói tiếng Anh có khác với các thầy khác, nghĩa là có lên giọng xuống giọng. Cứ khi nào trông thấy thầy Đoàn Minh dạy ở phía lớp bên kia là tôi lại trốn lớp mình sang đứng nấp sau cửa sổ để nghe và bắt chước, tối về phòng ngủ phổ biến cho các bạn. Đến lúc chúng tôi nói tiếng Anh lên lên xuống xuống được một chút là cảm thấy mình lớn hẳn lên và có cảm giác là mình đã đọc thơ được rồi. Thế là chúng tôi tổ chức buổi liên hoan đọc thơ tiếng Anh. Chúng tôi đọc say sưa. Cuối buổi thầy Liêu gật gù nói với chúng tôi “Something English”. Chúng tôi sung sướng quá vì không hiểu được cái nghĩa trào phúng đằng sau từ “something”. Nói đến “something English” tôi lại nhớ đến thầy giáo Chuyên cũng đi học ở Liên Xô về, nhưng lúc nào cũng loẹt quẹt đôi guốc mộc lên lớp. Chúng tôi tò mò hỏi thì thầy bảo “Something English” với một nét mặt bình thản làm chúng tôi cứ tranh luận với nhau mãi không biết người Anh có đi guốc không.
Ngược lại hồi ấy chúng tôi không thích ngữ pháp lắm. Cứ đến giờ ngữ pháp của cô Dung và cô Thanh là chúng tôi phân công nhau trong nhóm: 3 người ở lại học còn 3 người kia nhảy qua cửa sổ trốn xuống trường múa xem “các em” luyện tập. Hậu quả cuối cùng là khi ra trường làm giáo viên tôi phải bỏ cả năm đem liền dịch một quyển ngữ pháp tiếng Anh cơ bản, chủ yếu là để mình học lại một cách có hệ thống.
Đuổi tiếng mẹ đẻ ra khỏi lớp!
Trên lớp chúng tôi không được nói tiếng Việt, vì thầy giáo chúng tôi thuộc trường phái trực tiếp, kiên quyết đuổi tiếng mẹ đẻ ra khỏi lớp. Lắm khi cũng sợ. Anh bạn tôi bị gọi đứng lên, thầy hỏi “What is this?”. Anh ta không biết. Thầy hỏi lần thứ hai hơi gằn giọng “What is this?” thì anh ta luống cuống vội trả lời “This is bơ ạ!”. Cũng buổi hôm ấy, chúng tôi học đặt câu hỏi với “Who?” Hai người đầu tiên đứng lên đã hỏi “Who is this?”, chị bạn thứ ba của tôi lại đứng dậy cuống quýt hỏi tiếp “Who is this?” Thầy tôi đành cau mày trả lời “Your uncle!” Tuy rằng phương pháp trực tiếp không đuổi được tiếng mẹ đẻ ra khỏi đầu học sinh, nhưng nó giúp chúng tôi rất nhiều khả năng phản xạ bằng tiếng Anh và sau này là năng lực tư duy bằng tiếng Anh khi nói tiếng Anh.
Chúng tôi tìm cách dùng tiếng Anh ở mọi nơi mọi chỗ. Không hiểu sao thời ấy chúng tôi say mê thế. Một hôm đi lao động cấy giúp dân, phải lội xuống ruộng nước. Cả lớp nhân dịp này quy định vừa làm vừa nói tiếng Anh. Ruộng có nhiều đỉa. Cô bạn Nghi “gốc Hà Nội” gọi tôi và anh bạn Cơ đến, dặn dò: “Bây giờ xuống nước mỗi cậu trông hộ tớ một đùi, Nếu thấy con đỉa nào thì bóc ra nhé”. Chúng tôi cũng ngoan ngoãn làm theo. Đến khi lên bờ anh bạn tôi tinh nghịch ném một con đỉa về phía cô ấy. Thế là cuống quýt, “nàng” nhảy ngay lên đu vào cổ một anh bạn khác đứng gần đó. Thật là “quýt làm cam hưởng”. Tuy nhiên, ngày hôm đó chúng tôi học được rất nhiều từ về đồng áng, nhất là từ “con đỉa (leech)”, một từ ít ai biết nhưng chúng tôi thì không bao giờ có thể quên được.
Họa phúc hay không cũng là ở mình
Vào năm thứ tư, tôi mắc một sai lầm là trốn về Hà Nội chơi 4 ngày vì nhớ Hà Nội quá. Lên đến nơi, do bất đồng, tôi và anh bạn cùng lớp lôi nhau ra suối “tay bo”. Thế là tôi bị cảnh cáo toàn khoa. Bị cảnh cáo vào năm thứ tư (năm cuối) cho nên khi tốt nghiệp tôi bị treo bằng một năm.
“…Qua những tháng ngày đọc nghiền ngẫm và đôi khi dịch thử một vài chương nào đó tôi lại nhận thức ra rằng vốn tiếng Việt của mình quá nghèo nàn và nếu không có kiến thức về ngôn ngữ học thì không thể nào tiến hơn được, suốt đời sẽ chỉ dạy “cò con” những bài đã quen thuộc, và khi bị bế tắc trước câu hỏi của học trò thì lấy cái uy lực của người thầy mà trả lời rằng người Anh nói thế thì cứ nói thế…”
|
Năm ấy, 6 người được giữ lại trường thì 5 anh bạn tôi được làm thầy, còn tôi thì làm nhân viên thư viện. Các bạn ái ngại cho tôi lắm. Nhưng cuộc sống đúng là “ngựa tái ông”. Chính một năm làm thư viện là năm bản lề cho sự nghiệp của tôi sau này. Có lẽ chỉ có tôi là người duy nhất lúc đó được tiếp xúc nhiều nhất và kỹ nhất với những sách chính cống của Anh do cô Freeda Cook mang sang tặng khoa. Tôi nhận thức ra một điều là hệ sách viết dễ lại của Anh (simplified series) giúp ta rất nhiều về kỹ năng nói tiếng Anh, nói đơn giản nhưng đúng kiểu người Anh, và nói trôi chảy.
Tôi đọc nghiến ngấu, ghi ghi chép chép, học thuộc lòng để có cơ hội là “đọc ra”. Sau này khi học ở Ấn Độ, tiếp xúc với trường phái Selinker và S.Pit Corder về ngôn ngữ trung gian, điều “phát hiện” của tôi càng tỏ ra đúng hướng. Cũng trong một năm “kỷ luật” làm thư viện, qua những tháng ngày đọc nghiền ngẫm và đôi khi dịch thử một vài chương nào đó tôi lại nhận thức ra một điều thứ hai rằng vốn tiếng Việt của mình quá nghèo nàn và nếu không có kiến thức về ngôn ngữ học thì không thể nào tiến hơn được, suốt đời sẽ chỉ dạy “cò con” những bài đã quen thuộc, và khi bị bế tắc trước câu hỏi của học trò thì lấy cái uy lực của người thầy mà trả lời rằng người Anh nói thế thì cứ nói thế. Cái kiểu dạy mà sau này có lần bác Tạ Quang Bửu bảo chúng tôi là “thông ngôn dạy thông ngôn”.
Suy nghĩ này cứ day dứt mãi trong tôi suốt thời kỳ ở thư viện. Sau này khi được đi dạy học, ý nghĩ đó càng thôi thúc tôi. Cuối cùng, tôi xin nghỉ dạy trong 4 năm để đi học Tổng hợp Văn, và tôi vào Ban Ngôn ngữ học. Quả thật, 1 năm làm thư viện làm cho tôi hiểu rằng họa phúc hay không cũng là ở mình.
Khi quay trở lại giảng dạy, tôi lại được một cái may mắn nữa do thầy Liêu mang đến. Và tôi mang ơn thầy cho đến ngày hôm nay. Một hôm, thầy Liêu giao cho tôi dạy lớp dạy học đặc biệt. Mỗi buổi chỉ mở băng cho học viên nghe một lượt từ đầu đến cuối một bài. Sau đó mở từng câu cho họ nghe và nhắc lại. Nếu họ không nhắc được thì lại mở băng, chứ không được tự mình nói ra. Chừng nào họ đọc giống như băng thì sang câu khác. Cứ thế. Tôi còn nhớ đó là bộ “What to say”. Sau 6 tháng dạy theo cách này, tiếng Anh nói của tôi đã thay da đổi thịt. Suốt ngày văng vẳng bên tai ngữ điệu Anh, lối nói Anh. Thầy tôi đã chọn cho tôi một hướng đi đúng.
Gia Hân
|