Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh (sinh năm 1988, Hà Nội) vừa nhận kết quả đạt 9.0 IELTS, trong đó 3 kỹ năng Listening (nghe), Reading (đọc) và Speaking (nói) đạt điểm tuyệt đối 9.0, kỹ năng Writing (viết) đạt 8.0.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Quỳnh cho biết, trước đó, Quỳnh đã từng trải qua hai lần thi IELTS với mục đích dành học bổng du học, lần thứ ba này, Quỳnh thử sức để bắt đầu dự án dạy Tiếng Anh ở Đà Nẵng.
“Khi nhận được bảng điểm, tôi rất vui nhưng không quá ngạc nhiên về kết quả. Vì sau khi hoàn thành đợt thi, tôi cũng đã ước lượng được điểm số của bản thân sẽ rơi vào khoảng bao nhiêu. Khi biết mình trở thành người thứ 6 của Việt Nam đạt 9.0 IELTS, tôi có thêm niềm vui từ việc có nhiều bạn đã kết nối, chia sẻ cùng mình, cũng qua đó tôi có cơ hội quen biết thêm nhiều người”, Quỳnh bày tỏ.
Quỳnh là cựu sinh viên khoa xã hội học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm 2010, khi là sinh viên năm cuối của trường, Quỳnh là 1 trong 6 người trên thế giới giành được học bổng thực tập toàn phần tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York (Hoa Kỳ). Trước đó, để có cơ hội đến New York, Quỳnh đã nỗ lực tìm tòi, tự ôn luyện IELTS. Trải qua một thời gian học tập siêng năng, Quỳnh đạt được điểm số 7.0 ngay trong lần thi đầu tiên.
Khi thực tập tại Liên Hợp Quốc, cô gái Hà Nội có cơ hội làm việc và trở thành tình nguyện viên cho các tổ chức quốc tế như Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Mỹ, Anh, Israel, và hàng chục quốc gia ở châu Phi, châu Á.
Năm 2020, với mong muốn học cao hơn, Quỳnh đăng ký thi IELTS và đạt được 8.5. Nhờ vậy, Quỳnh trúng học bổng Chevening, theo học thạc sĩ ngành phát triển xã hội tại trường University College London (UCL - top 8 trường đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS).
Kết thúc chương trình học thạc sĩ tại Anh vào đầu năm 2021, Quỳnh tiếp tục làm tư vấn cho các dự án phát triển xã hội của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khát vọng giúp các bạn trẻ Việt Nam học tốt Tiếng Anh đã thôi thúc Quỳnh trở thành giáo viên Tiếng Anh. Để tự tin hơn khi đứng lớp, Quỳnh quyết tâm chinh phục mục tiêu cao hơn nữa là đạt 9.0 IELTS và đã thành công.
“Mặc dù có nhiều yếu tố tạo nên thành công trong từng chặng đường của tôi, nhưng không thể phủ nhận IELTS là tấm vé giá trị tạo nên thành công đó. Nó mở ra cho tôi rất nhiều cơ hội, giúp tôi được tiếp xúc với nhiều điều thú vị hơn trong cuộc sống. Vì vậy, tôi hi vọng rằng, mọi người không nên chỉ coi IELTS như một bài thi mà hãy mở rộng và coi đó là một trong những điều cần thiết giúp chúng ta hòa nhập hơn với thế giới”, Quỳnh nói.
Chia sẻ về lần thi IELTS thứ 3 mà bản thân vừa trải qua, Quỳnh bày tỏ sự tiếc nuối ở bài thi viết (Writing). Quỳnh nhận định bản thân chưa đạt tới điểm 9 Writing do bài Task 2 (phần thứ hai của bài thi viết học thuật) viết quá dài khiến không còn thời gian xem lại toàn bộ bài làm. Trong khi đó, Quỳnh đánh giá bài thi nói (Speaking) về chủ đề đô thị hóa khá hay.
Với bài thi nói, Quỳnh khiến nó không chỉ là một phần thi khô khan giữa người hỏi - người trả lời mà biến nó thành câu chuyện của cả hai người, luôn có sự trao đổi qua lại. Bên cạnh đó, bằng sự trải nghiệm của chính bản thân, Quỳnh đã đưa ra những quan điểm sâu sắc và thú vị, điều này cũng tạo được ấn tượng với giám khảo.
“Tâm trạng tôi rất thoải mái khi bước vào lần thi này vì trước đó tôi đã có kinh nghiệm thi IELTS 2 lần, thêm nữa, từ năm 2010 tôi đã sử dụng Tiếng Anh rất nhiều trong cuộc sống, công việc nên tôi có lợi thế hơn so với các bạn ôn thi hay luyện thi một cách truyền thống”, Quỳnh bày tỏ.
Từ kinh nghiệm học Tiếng Anh và thi IELTS của mình, Quỳnh đưa ra một vài lưu ý:
Thứ nhất, với kỹ năng Speaking, phải chú ý đến việc phát âm chuẩn vì đây là tiêu chí chấm điểm quan trọng. Thêm vào đó, việc phát âm tốt sẽ gây ấn tượng cho giám khảo ngay từ đầu.
Thứ hai, với kỹ năng Reading, cách làm bài tốt nhất là đọc toàn bộ bài, cố gắng nắm bắt được nội dung chính của toàn bài cũng như nội dung của từng đoạn. Đề thi IELTS ngày càng khó và việc gạch keywords (từ khóa) sẽ khiến thí sinh mắc bẫy, không hiểu ý mà tác giả muốn truyền đạt.
Ngoài ra, đối với dạng bài True - False (đúng - sai) và Yes - No (có - không), Quỳnh cho biết 2 dạng này thường khiến thí sinh nhầm lẫn. True - False là thứ được ghi rõ ở trong bài, trong khi Yes - No sẽ thường thiên về quan điểm, ý kiến của tác giả. Mình phải đánh giá được xem tác giả có thái độ như thế nào về một vấn đề.
Thứ ba, đối với kỹ năng Listening, Quỳnh khá ủng hộ việc sử dụng cách nghe keywords. Theo Quỳnh, bài thi Listening khá nhanh, chỉ được nghe 1 lần nên cần phải tận dụng thời gian chuẩn bị để nắm được bài nói sẽ nói gì và xác định các keywords chính.
Thứ tư, đối với Writing, thí sinh không những phải viết đúng, đủ mà còn phải biết cách dùng những từ đắt giá, với cách trình bày, văn phong đậm chất học thuật. Ngoài từ vựng và ngữ pháp, việc có ý tưởng tốt và triển khai sâu là một điểm cộng lớn trong bài thi. Quỳnh lưu ý, với các bạn không viết thường xuyên thì việc xem lại bài vô cùng quan trọng để sửa lỗi.
Đặc biệt để học tốt Tiếng Anh, các bạn nên biến Tiếng Anh thành câu chuyện hằng ngày và không nên chỉ coi nó là một môn học.
Chia sẻ về kế hoạch tương lai, do nhận được học bổng hệ tiến sĩ toàn phần của trường University College London (Anh) nên trong vài năm tới, Quỳnh có dự định sẽ trở lại đây học tiếp chương trình tiến sĩ lĩnh vực phát triển xã hội.
“Theo học ngành xã hội học là đam mê từ nhỏ của tôi, nó giúp tôi hiểu xã hội có những vấn đề gì, vì sao có vấn đề đó và mình cần làm gì để thay đổi, làm nó tốt hơn. Sau này, khi tôi học và dạy Tiếng Anh, tôi nhận ra rằng câu chuyện giáo dục cũng chính là câu chuyện phát triển xã hội, thậm chí đây là lĩnh vực phát triển xã hội bền vững, sâu sắc, thực chất", Quỳnh nói.
Anh Trang
|