(GD&TĐ) - Mới đây, đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT sau khi đi thực tế ở một số trường học và làm việc với lãnh đạo 4 quận, huyện về dạy thêm - học thêm, thu - chi và thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo nhận định của Trưởng đoàn giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND thành phố) Nguyễn Thị Thùy, việc dạy - học ngoại ngữ trong trường học ở Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng do hai yếu tố cơ bản nhất là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu và yếu.
Cơ sở vật chất: Chưa đáp ứng yêu cầu
Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) Phạm Xuân Tiến cho biết: Thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 -2020, Hà Nội đã triển khai dạy ngoại ngữ (tiếng Anh) cho học sinh tiểu học từ năm học 2010 - 2011. Việc triển khai bắt đầu từ học sinh lớp 3 và hiện đang triển khai với học sinh lớp 5. Cũng theo ông Tiến, ban đầu Hà Nội chỉ có 8 trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên (được Bộ GD&ĐT cấp chứng chỉ) đăng ký dạy thí điểm ngoại ngữ theo chương trình mới. Đến năm học này toàn thành phố đã có 172 trường tiểu học, chiếm 25% tổng số trường tiểu học dạy ngoại ngữ theo chương trình của Đề án, trong đó có 127 trường dạy 2 tiết/tuần, 6 trường dạy 3 tiết/tuần và 39 trường dạy 4 tiết/tuần.
So với các địa phương khác, Hà Nội có nhiều thuận lợi trong việc triển khai Đề án dạy ngoại ngữ. Tuy nhiên, dù tỷ lệ đầu tư từ ngân sách cho giáo dục cao nhưng qua khảo sát ở một số quận huyện cho thấy cơ sở vật chất vẫn là rào cản lớn cho việc thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trong trường học. Tính đến năm 2011 mới chỉ có 232/1481 trường (tiểu học đến THPT) có phòng học ngoại ngữ. Trang thiết bị phòng học ngoại ngữ ở các cấp học chưa đồng bộ, hiện đại theo quy chuẩn, trừ một số trường đạt chuẩn quốc gia. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hồng Nga cho biết: Để thực hiện Đề án trên, năm 2012, thành phố đã đầu tư trên 50 tỷ đồng để xây dựng phòng học và mua sắm trang thiết bị dạy học (473 phòng). Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, số lượng lượng phòng học trên vẫn chỉ như… muối bỏ bể.
Còn theo Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Thùy, Hà Nội còn thiếu nhiều phòng học ngoại ngữ. “Có nơi không có phòng học, thiết bị được cấp thì… cất trong kho”, bà Thùy chia sẻ. Theo bà Thùy, một trong những nguyên nhân do ban giám hiệu nhiều trường chưa nhận thức được tầm quan trọng của Đề án nên không xây dựng lộ trình thực hiện.
Giáo viên vừa thiếu vừa yếu
Là một trong những trường đầu tiên của Hà Nội thực hiện thí điểm việc dạy học ngoại ngữ cho học sinh lớp 3, theo Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) Phạm Thị Yến, để thực hiện được Đề án, giáo viên phải bồi dưỡng thêm rất nhiều. Cũng theo bà Yến, nhà trường hiện đang thiếu giáo viên tiếng Anh bởi tuy là trường hạng 1 nhưng mới chỉ có 1 giáo viên. Hiện nay, nếu chỉ tính dạy từ lớp 3-5 có 84 tiết (21 lớp) thì cần ít nhất 4 giáo viên nên phải hợp đồng thêm 3 giáo viên khác. Do lương ít, không ổn định nên các cô chưa yên tâm với nghề.
Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) Nguyễn Vũ cho biết: Giáo viên dạy ngoại ngữ là vấn đề nan giải. Nhà trường có 10 giáo viên nhưng mới có 4 giáo viên đạt chuẩn, 5 người vừa dự thi theo khung B2 châu Âu, chỉ có 1 người thiếu 2 điểm, 2 giáo viên trình độ cao đẳng, lớn tuổi nên phát âm khó chuẩn. Nhiều lần phụ huynh có phản ánh và bày tỏ mong muốn con em họ được giáo viên đạt chuẩn dạy để có được kiến thức chuẩn khi ra trường nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể động viên bằng cách tham gia dự giờ, yêu cầu giáo viên tự bồi dưỡng. Do vậy, nhà trường mong muốn Sở tạo điều kiện để giáo viên ngoại ngữ được bồi dưỡng ở nơi đạt chuẩn chứ không phải ở các trung tâm vì nhiều khi trung tâm dạy cũng không chuẩn, Hiệu trưởng Nguyễn Vũ chia sẻ.
Hà Nội hiện có 4.484 giáo viên ngoại ngữ, trong đó có 4.445 giáo viên tiếng Anh có trình độ từ cao đẳng trở lên. Theo bà Nga, Hà Nội vừa tiến hành rà soát thực trạng đội ngũ dạy ngoại ngữ. Tuy chưa có kết quả chính thức nhưng qua khảo sát, có 55% giáo viên xếp loại khá tốt, 37% xếp loại trung bình và 8% xếp loại yếu. Về 4 kỹ năng, đa phần giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu về đọc- viết, kỹ năng nghe- nói mới chỉ có 40% giáo viên nghe và hiểu được nội dung do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, còn tới 30% giáo viên gần như… không hiểu gì. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Tiến do chưa có trường sư phạm nào đào tạo giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học nên đa phần giáo viên chuyển từ trường THCS, THPT xuống dạy. Bên cạnh đó, một số chuyên viên phụ trách môn ngoại ngữ ở cấp tiểu học của các Phòng GD-ĐT không biết ngoại ngữ dẫn đến khó khăn trong việc chỉ đạo và đánh giá giáo viên…
Để đạt mục tiêu học sinh học hết tiểu học có trình độ A1, tốt nghiệp THCS có trình độ A2 và đạt trình độ B1 theo khung năng lực châu Âu với học sinh tốt nghiệp THPT, Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách nhất vẫn là đội ngũ giáo viên. Cơ sở vật chất có thể chưa đạt chuẩn nhưng giáo viên giỏi vẫn có thể đào tạo học sinh đáp ứng yêu cầu đầu ra. Thiết nghĩ, chỉ còn hơn 5 năm nữa để Hà Nội chuẩn bị 2 yếu tố trên để tiến tới việc dạy đại trà ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 3. Nếu không có chính sách đột phá từ việc đào tạo, tuyển dụng cũng như chế độ lương bổng thì những giáo viên có trình độ cao sẽ không còn mặn mà với sự nghiệp dạy học.
La Giang
|