“Về mặt khoa học, khi được 2 đến 3 tuổi là trẻ có khả năng tiếp thu được một ngoại ngữ mới, song song với tiếng mẹ đẻ… Do đó, nên cho trẻ học tiếng Anh càng sớm càng tốt, nhưng phải đúng phương pháp” - PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn chia sẻ.
Hiện nay, cho con em học tiếng Anh là một nhu cầu tất yếu đối với các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có con ở lứa tuổi mầm non, đang băn khoăn, không biết nên cho con mình bắt đầu làm quen và học tiếng Anh từ độ tuổi nào, phương pháp học ra sao để đem lại hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn - Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Theo nghiên cứu, về mặt khoa học, thì trẻ ở độ tuổi 2 đến 3 tuổi, có khả năng tiếp thu được một ngoại ngữ mới, cũng tương tự như việc tiếp thu thụ đắc tiếng mẹ đẻ. Trẻ đủ khă năng nhận biết được người nói với mình là ai, đang sử dụng mã ngôn ngữ nào, đầu tiên có thể nhầm lẫn, nhưng dần dần quá trình đó nó sẽ mất dần đi. Trẻ ngày càng tỏ ra thụ đắc và phân biệt đâu là ngôn ngữ mẹ đẻ và đâu là ngôn ngữ ngoại ngữ. Lên 8 đến 9 tuổi mà được nhúng vào môi trường song ngữ như vậy, thì chắc chắn trẻ sẽ có khả năng thụ đắc và sử dụng tốt được cả hai ngôn ngữ. Vì vậy, tôi ủng hộ quan điểm là cho trẻ học tiếng Anh sớm, nhưng phải đúng phương pháp”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, nếu chúng ta có cách thức dạy tiếng Anh tốt cho trẻ như: Làm cho việc học của trẻ trở lên vui vẻ, học và chơi, chơi và học. Tạo cho trẻ học vào những tình huống thích hợp, gắn với các trò chơi, lựa chọn ngữ điệu thích hợp. Đồng thời, phải có sự hỗ trợ thêm của các phương tiện như giáo trình thích hợp cho từng lứa tuổi, thì trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu được tốt tiếng Anh.
Cho trẻ học tiếng Anh từ sớm, đồng thời đổi mới phương pháp giáo dục mầm non, sẽ phát huy tối đa sức sáng tạo và sự tự tin của trẻ nhỏ. Qua đó có thể giúp trẻ hình thành kỹ năng sống cũng như nền tảng kiến thức cơ bản về tiếng Anh.
Theo dantri.com