Theo kinh nghiệm của nhiều du học sinh, bên cạnh kết quả học tập, điểm số về tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa... thì bài luận chính là “điểm khác biệt” mang tính quyết định bạn có thể nhận được học bổng từ các trường quốc tế hay không. Dấu ấn cá nhân của mỗi người sẽ được đánh giá nhiều thông qua bài luận.
Bài luận là cách nhìn, suy nghĩ của mỗi người. Tuy nhiên, điểm chung trong bài luận của nhiều học sinh giành được học bổng du học chính là thể hiện được sự “cá biệt”, không đồng nhất trong con người họ. Điều này được thể hiện qua những chủ đề đơn giản, gần gũi để làm nổi bật mình chứ không phải là những vấn đề to tát, cao siêu như nhiều người lầm tưởng.
Bài luận cần thể hiện sự khác biệt của mỗi người
Thủy Tiên, cô gái từng giành được học bổng ở 5 trường ĐH ở Mỹ và hiện đang theo học ở Princeton University trong việc xin học bổng, điểm số chưa nói lên được tất cả mà quan trọng bạn thể hiện yếu tố con người mình như thế nào. Bài luận chính là cơ hội để bạn thể hiện sự khác biệt đó vì thế bài luận càng mang tính "cá biệt" của chính bản thân càng dễ ghi điểm.
Trong quá trình xin học bổng, những bài luận nổi bật của Tiên xuất phát từ những khoảnh khắc nhỏ nhặt có thật trong đời sống. Có bài viết chủ đề về môi trường khởi đầu bằng việc Tiên nhìn thấy một món đồ cũ bị vứt; hay về một bữa cơm với bà ngoại trong một lần được về thăm quê để nói về người ảnh hưởng và làm thay đổi mình… Thông qua đó cô thể hiện suy nghĩ, trách nhiệm của mình.
“Nhiều bạn hỏi viết bài luận bịa ra có được không. Không ai cấm các bạn nhưng khi bịa rất dễ sa vào “chém gió” không đúng khả năng, cảm nghĩ của mình. Người đọc sẽ không tin, không cảm nhận hết được về con người mình. Nên bắt đầu với những câu chuyện, chủ đề gắn liền với chính cuộc sống mình thay cho những điều đao to búa lớn hay tầm cỡ quá.”, Tiên bày tỏ.
Cùng lúc được nhiều trường ĐH ở Mỹ chấp thuận đơn nhập học và cấp học bổng như Drexel University, Ohio Wesleyan, Illinois Wesleyan… bạn Bùi Quang Lê, tân sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Texas Christian cho biết bài luận của cậu viết về những điều rất đỗi bình thường.
Bài luận ấn tượng nhất của Lê kể lại buổi đến nhà bạn chơi dẫn đến những thay đổi trong suy nghĩ của cậu. Theo Lê khi viết bài luận, cần đưa được chi tiết cụ thể để khắc họa được con người mình thay vì mô tả, diễn đạt chung chung.
Theo bạn Bùi Quang Lê, tân sinh viên ĐH Texas Christian nên tránh những vấn đề bạn hiểu hời hợt, nông cạn khi viết bài luận
Chọn những chủ đề giản dị trong cuộc sống để thể hiện nhưng theo Lê không có nghĩa là “nói không” với các vấn đề lớn hay nội dung “cao siêu” như về chiến tranh, hòa bình, thế giới…. Các bạn hoàn toàn có thể viết về các vấn đề này nhưng chỉ nên khi bạn thật sự suy nghĩ sâu sắc về vấn đề đó. Còn khi bạn chỉ hiểu một cách hời hợt, nông cạn về bề ngoài thôi thì nên tránh.
“Không phải câu chuyện, vấn đề to tát hay nhỏ nhặt quan trọng bạn phải hiểu thật sâu về vấn đề, có những cái nhìn cá nhân tích cực thì bài luận mới có thể “ghi điểm”, Lê nói. Và theo cậu với học trò thì các vấn đề gắn liền cuộc sống của chính mình sẽ dễ thể hiện nhất.
Ngoài ra, Quang Lê chia sẻ một số điều cần lưu ý khi viết bài luận như chú ý đến giới hạn chữ, cần súc tích, ngắn gọn, lựa chọn từ một cách kỹ càng. Nhờ các anh chị đi trước góp ý, chỉnh sửa là cần thiết nhưng vẫn phải giữ “chất riêng” của mình trong bài viết.
Bạn phải biết điều gì khác biệt ở bản thân và mình sẽ làm gì để khác biệt. Bạn đến từ Việt Nam, từ Châu Á, sự khác biệt về văn hóa luôn tồn tại trong con người mình nên hãy cố gắng làm nổi bật điều đó bằng những chi tiết, suy nghĩ của chính bản thân. Đó là cách để bài luận của bạn sẽ không giống như hàng ngàn bài luận khác.
Võ Thị Minh An (cựu sinh viên ĐH Mount Holyoke)
|
Hoài Nam
|