(BTNO) - Thực tế, ở Tây Ninh hiện nay, giáo viên dạy Tiếng Anh đạt chuẩn vẫn đang thiếu trầm trọng. Tính đến đầu năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 79/161 (49%) giáo viên Tiếng Anh cấp trung học phổ thông đạt chuẩn C1; có 229/376 giáo viên Tiếng Anh cấp trung học cơ sở (tỷ lệ 61%) và 63/192 giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học (tỷ lệ 33%) đạt chuẩn B2 theo khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu.
Một tiết học môn Tiếng Anh theo chương trình chuẩn mới tại Trường tiểu học Tôn Thất Tùng (TP. Tây Ninh).
Theo ông Bùi Anh Tuấn- Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh, trong năm 2011, Sở đã tiến hành rà soát và đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên đang tham gia giảng dạy Tiếng Anh các cấp học trên địa bàn tỉnh nhằm phân nhóm giáo viên theo khu vực cận chuẩn và xa chuẩn. Từ năm 2012 đến nay, căn cứ vào kết quả rà soát, Sở đã phối hợp với Trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm SEAMEO RETRAC, Công ty cổ phần Giáo dục 3A, Viện Đào tạo quốc tế - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ chưa đạt chuẩn.
Kinh phí lấy từ nguồn của Chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách địa phương. Khoá bồi dưỡng có nhiều lớp với nhiều trình độ khác nhau, nhằm bảo đảm các giáo viên cận chuẩn và xa chuẩn đều theo kịp chương trình. Những giáo viên đã được chọn bồi dưỡng nhưng chưa đạt chuẩn sẽ phải tự học để chuẩn hoá kiến thức. Ngành cũng tuyển dụng mới những người đã đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo quy định.
Thế nhưng trên thực tế, ở Tây Ninh hiện nay, giáo viên dạy Tiếng Anh đạt chuẩn vẫn đang thiếu trầm trọng. Tính đến đầu năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 79/161 (49%) giáo viên Tiếng Anh cấp trung học phổ thông đạt chuẩn C1; có 229/376 giáo viên Tiếng Anh cấp trung học cơ sở (tỷ lệ 61%) và 63/192 giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học (tỷ lệ 33%) đạt chuẩn B2 theo khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu.
Ở cấp tiểu học, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 53 trường có học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 chưa được học môn Tiếng Anh. Còn ở cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông, đa số các trường đều phải tự xoay xở để giảng dạy Tiếng Anh trong điều kiện thiếu giáo viên bộ môn này.
Theo giải thích của ngành Giáo dục, giáo viên dạy Tiếng Anh ở các cấp học đều đạt chuẩn về bằng cấp theo quy định. Thế nhưng giáo viên được đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau, từ chính quy đến tại chức hoặc đào tạo từ xa và chất lượng đào tạo không đồng đều. Chính vì vậy yêu cầu về chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu chung châu Âu rất khó đạt được. Đây là vấn đề còn khá xa lạ đối với giáo viên, nhất là những giáo viên đã lớn tuổi, giáo viên thuộc vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, trong quá trình học và giảng dạy trước đây, đa số giáo viên dạy Tiếng Anh chủ yếu chỉ tập trung vào kiến thức ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng viết và đọc hiểu. Nhưng hiện nay việc đánh giá năng lực giáo viên lại tập trung vào hai kỹ năng nghe và nói, vì thế nhiều giáo viên còn lúng túng khi giao tiếp thực tế bằng ngoại ngữ. Chưa kể có một số giáo viên Tiếng Anh chưa ý thức tầm quan trọng của việc tự đào luyện nâng cao trình độ ngoại ngữ, nên khó bảo đảm việc chuẩn hoá trong một thời gian ngắn.
Hoa Lư
|